Giá phân bón tăng mạnh trong vòng 50 năm qua: Giải pháp nào để bình ổn?
Nhằm đưa ra các giải pháp ổn định thị trường phân bón trong bối cảnh hiện nay, ngày 30-8, Báo Công Thương tổ chức tọa đàm: “Tìm giải pháp ổn định nguồn cung và bình ổn giá phân bón”.
Thời gian qua, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao kéo giá phân bón trong nước cũng tăng theo. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón trong nước đang phải đối mặt với tình trạng nguyên liệu đầu vào tăng cao và khan hiếm.
Đợt tăng giá mạnh của phân bón
Theo chia sẻ từ chuyên gia và doanh nghiệp tại tọa đàm, từ đầu năm 2020 đến nay, giá phân bón có lúc tăng nhiều, có lúc tăng ít nhưng nói chung đây là đợt tăng mạnh thứ 3 trong khoảng 50 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do xung đột Nga – Ukraine và những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến giá nguyên liệu đầu vào cho phân bón cũng khan hiếm và tăng cao.
Đáng chú ý, giá khí tự nhiên, giá dầu đã tăng đột ngột cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, khí tự nhiên là nguyên liệu chính cho hầu hết các loại phân đạm – chi phí này chiếm 70-90% chi phí sản xuất ammoniac.
Đồng thời, một nguyên nhân nữa là do chi phí vận tải, nhất là vận chuyển bằng đường biển sử dụng container tăng chóng mặt… cũng đã góp phần khiến cho giá phân bón luôn ở ngưỡng “nóng”.
Các diễn giả tại tọa đàm “Tìm giải pháp ổn định nguồn cung và bình ổn giá phân bón”. Ảnh: Báo Công Thương
Ông Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh, phân bón là vật tư đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và cũng chiếm tỷ trọng cao trong chi phí sản xuất nông nghiệp. Do vậy, giá phân bón tăng cao đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản và đời sống người nông dân, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh kéo dài.
Đồng quan điểm cho rằng, người nông dân sẽ là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giá phân bón tăng cao, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: “Các mặt hàng phân bón đồng loạt tăng cao, kéo theo chi phí đầu vào tăng không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân mà còn bào mòn nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Việc giá phân bón tăng cao, làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, thu nhập giảm, người nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất.”
Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất phân bón, ông Vũ Xuân Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng thừa nhận, thời gian qua, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng đột biến, như: Lưu huỳnh tăng gấp đôi; ure tăng 89%… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Là đơn vị sản xuất lớn trong nước, với sự tăng cao của nguyên liệu như vậy, doanh nghiệp đứng trước thực tế là không đủ nguyên liệu cho sản xuất, dẫn đến sản xuất cầm chừng, tạo giá thành rất cao. Đặc biệt, với nguyên liệu đầu vào cao kéo theo giá thành cao, nên giá bán cũng phải đưa lên cao, làm giảm sức tiêu dùng của thị trường”, ông Vũ Xuân Hồng bày tỏ.
Từ thực tế này, ông Vũ Xuân Hồng cho biết, năm 2021 và 6 tháng qua, phân bón đã sụt giảm 20-25% về sản lượng so với cùng kỳ.
Duy trì tối đa công suất, ổn định nguồn cung trong nước
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh hiện nay, Cục Bảo vệ Thực vật đã thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, tình hình xuất khẩu, nhập khẩu để có các biện pháp ứng phó linh hoạt đối với một số mặt hàng phân bón chủ chốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cam kết tiếp tục duy trì tối đa công suất, hạn chế xuất khẩu, cung ứng kịp thời và ưu tiên tối đa thị trường trong nước.
“Đến nay, các doanh nghiệp đều đang thực hiện tốt việc này, góp phần ổn định nguồn cung trong nước”, ông Huỳnh Tấn Đạt nói.
Dự báo tình hình giá và nguồn cung phân bón còn diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong thời gian tới, dự báo tình hình giá và nguồn cung phân bón còn diễn biến phức tạp, ông Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, những giải pháp thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu vật tư, tăng cường tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp ở quy mô hộ, liên hộ, hợp tác xã cần được nhân rộng, phổ biến.
Cùng với đó, để giảm giá phân bón, doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, quy hoạch sản xuất, kinh doanh, thị trường để hài hòa lợi, ích, minh bạch giá cả để giảm tối đa sản xuất.
Đồng quan điểm về việc tăng cường nguồn cung, giảm giá thành phân bón, TS Phùng Hà cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, giảm các đại lý trung gian, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước; các doanh nghiệp cần tập trung ưu tiên bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.
“Theo kinh nghiệm cho thấy khi bảo đảm tốt sản xuất trong nước như 4 nhà máy sản xuất urea, DAP, phân bón chứa lân,… chúng ta có thể chủ động và vững vàng vượt qua các đợt thiếu phân bón do lệnh kiểm soát xuất khẩu của một số cường quốc xuất khẩu phân bón, của xung đột trên thế giới, hay do lệnh cấm vận…”, TS Phùng Hà nêu dẫn chứng và đề nghị xem xét, tính toán đầu tư sản xuất các loại phân bón phải nhập khẩu.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, về phía cộng đồng, người dân cũng cần tận dụng tối đa nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên để phát triển phân hữu cơ, giảm một phần phụ thuộc vào phân vô cơ. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai giám sát giá cả trên thị trường, bảo đảm giá cả để không biến động quá, làm ảnh hưởng thị trường phân bón…
MINH AN